UNG THƯ GAN

"Ung thư gan là căn bệnh do các tế bào ác tính phát sinh ở các mô trong gan. Đây là một trong những loại ung thư thường gặp và nguy hiểm nhất hiện nay"

 

UNG THƯ GAN

 

"Ung thư gan là căn bệnh do các tế bào ác tính phát sinh ở các mô trong gan. Đây là một trong những loại ung thư thường gặp và nguy hiểm nhất hiện nay."

Ung thư gan là bệnh phố biến ở các nước Đông Á, Đông Nam Á và châu Phi, ít gặp ở châu Mỹ và châu Âu. Theo thống kê tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ nhất trong các loại ung thư thường gặp và các nguyên nhân tử vong do ung thư. Tỉ lệ không đồng đều ở nam và nữ 5:1.

Tình trạng viêm gan sau nhiễm siêu vi gây viêm gan B (HBV) hoặc C (HCV), xơ gan, sau viêm gan do bệnh tự miễn hoặc do rượu, cơ địa ứ sắt trong gan đều là yếu tố thuận lợi, nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư gan. Ngoài ra, nguy cơ ung thư gan cũng có thể tăng do tiếp xúc lâu dài với chất cản quang Thorotrast, độc tố aflatoxin trong ngũ cốc nhiễm nấm Aspergillus flavus, chất chlorur- vinyl, thuốc trừ sâu.

Có khoảng 400 triệu người trên thế giới bị nhiễm HBV, phần lớn ở châu Á và châu Phi, nơi có đến 70% số trường hợp ung thư gan của toàn cầu. Người bị nhiễm HBV mạn tính có nguy cơ xảy ra ung thư tế bào gan gấp 100 lần so với người không bị nhiễm và một tình trạng xơ gan liên quan đến nhiễm HBV xảy ra thì nguy cơ này tăng lên gấp 1000 lần.

 

 

Ở các nước Âu Mỹ, HCV là nguy cơ thường gặp hơn HBV với tỉ lệ bệnh nhân ung thư gan có kháng thể kháng virus viêm gan C (anti-HCV antibodies) lên đến 70%. Khác với các nước vùng châu Á, Nhật Bản lại có tỉ lệ ung thư gan  liên quan đến HCV rất cao. 80% bệnh nhân nhiễm HCV sẽ diễn tiến thành nhiễm mạn tính và tình trạng này làm tăng nguy cơ chuyển sang ung thư gan lên 20 lần so với những người không nhiễm. Ở bệnh nhân nhiễm HCV, yếu tố thuận lợi cho sự diễn tiến sang ung thư gan gồm giới tính nam, lớn tuổi, có bệnh lý liên qua đến rượu và độ nặng của tình trạng viêm gan.

Nếu bị nhiễm đồng thời HBV và HCV thì nguy cơ ung thư gan tăng lên gấp nhiều lần hơn là nhiễm một loại.

Ngoài yếu tố virus, các yếu tố nguy cơ khác thường gặp ở các nước Âu Mỹ gồm độc tố trong môi trường ( ví dụ aflatoxin, uống rượu nhiều), bệnh lý chuyển hóa gan (gan thoái hóa mỡ, béo phì, tiểu đường kháng insulin, ứ sắt trong gan) hoặc bệnh lý miễn dịch (viêm gan tự miễn, xơ hóa đường mật nguyên phát).

 

 

Cơ chế bệnh sinh ung thư gan bao gồm nhiều yếu tố phức tạp chủ yếu gan trải qua các giai đoạn làm tế bào gan bị biến đổi: tổn thương gan mạn tính và biến đổi gen.

Tế bào gan có đời sống khá lâu nên ít khi phân bào để đổi mới, nếu gan khỏe mạnh, trong trường hợp gan bị viêm mạn tính tiếp xúc với các yếu tố gây tổn thương gan kéo dài, các tế bào gan phải phân bào, đổi mới liên tục để thay thế các tế bào bị tổn thương, hoại tử, dần dần sẽ đưa đến tình trạng xơ hóa mô gan. Tình trạng sinh sản liên tục của tế bào gan cũng tạo điều kiện cho các rối loạn gen xảy ra gồm đột biến gen, xắp xếp lại gen, mất đoạn, đa bội thể, khuếch đại gen. Hậu quả là sự kích các oncogen kích thích tăng trưởng số lượng tế bào và gen đè nén bướu. về mặt mô bệnh học, trong gan hình thành những ổ tân tạo tế bào gan, tiến triển thành những nốt tân sinh, rồi trở thành dị sản, là tiền thân của ung thư gan.

Bên cạnh cơ chế sinh ung căn bản như trên thì HBV và HCV còn có những cơ chế sinh ung trực tiếp trên tế bào gan. HBV còn có khả năng cài đặt DNA của nó vào bộ gen của tế bào gan cơ thể chủ và gây ra những thay đổi, kích hoạt sự sinh sản theo hướng ác tính. HCV thì không xen vào bộ gen của tế bào gan, nhưng có thể có tác động sinh ung thông qua hoạt động của một số protein do virus sản xuất ra.

Điều trị ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, tình trạng bệnh lý có sẵn ở gan, thể trạng tuổi của bệnh nhân, điều kiện kinh tế, các phương tiện điều trị sẵn có tại bệnh viện.

Tiên lượng ung thư gan khá xấu. Đối với giai đoạn I và II, sau điều trị triệt để bằng cắt gan hoặc ghép gan, tỉ lệ sống còn sau 3 năm từ 40-75%. Sau 5 năm còn khoảng 25-55%. Giai đoạn III- IV, nếu chỉ chăm sóc nâng đỡ, thời gian sống còn khoảng 3-5 tháng. Các biện pháp tại vùng cho tỉ lệ đáp ứng từ 30-70%, nhưng không cải thiện sống còn.

Việc điều trị khó khăn, phức tạp và tỉ lệ tử vong còn rất cao. Cách tốt nhất để giảm xuất độ là phòng ngừa với những biện pháp sau đây:

Tiêm vaccine phòng viên gan siêu vi B từ sơ sinh.

Cẩn thận vấn đề truyền máu.

uan hệ tình dục an toàn vì siêu vi viêm gan B, C có thể lây qua đường tình dục.

Giảm uống rượu, nhất là khi có nhiễm viêm gan siêu vi để tránh xơ gan.

Tránh sử dụng ngũ cốc đã hư mốc.

Biện pháp tầm soát để phát hiện sớm ung thư gan đã được một số quốc gia thực hiện là khuyến cáo những đối tượng nhiễm HBV hoặc HCV thể hoạt động, bệnh nhân xơ gan, nên khám định kỳ mỗi 3-6 tháng, với khảo sát siêu âm bụng và xét nghiệm AFB/ huyết thanh.